Công Ty TNHH TMDV Ngọc Gia Bảo

Kinh Doanh

0968 01 6628 - 0382 89 0009 - 0989 397 065

Liên Hệ

Tên

Email *

Thông báo *

03/07/2025

Xuất Khẩu Nông, Lâm, Thủy Sản Thu Về Gần 34 Tỷ USD Trong 6 Tháng

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường sáng 3/7/2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết: Xuất khẩu nông lâm thủy sản là điểm nhấn của ngành trong 6 tháng đầu năm, đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2024. Giá trị xuất siêu đạt 9,83 tỷ USD, tăng 16,5%.


Với kết quả này, cộng với xu hướng tăng tốc xuất khẩu cuối năm, xuất khẩu nông lâm năm 2025 có khả năng đạt 67 tỷ USD.

Ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 18,46 tỷ USD, tăng 17,8%; giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 264,4 triệu USD, tăng 10,1%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 5,16 tỷ USD, tăng 16,9%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 8,82 tỷ USD, tăng 9,3%; giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, tăng 23,6%; giá trị xuất khẩu muối đạt 5,7 triệu USD, tăng 2,4 lần.

Trong bối cảnh giá một số mặt hàng tăng mạnh, dù sản lượng có sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt kết quả tích cực, đặc biệt ở các nhóm như cà phê, hạt tiêu, hạt điều…

Xuất khẩu cà phê đạt 953,9 nghìn tấn, thu về 5,45 tỷ USD, tăng 5,3% về khối lượng và tăng mạnh 67,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá xuất khẩu bình quân tăng 59,1%, đạt 5.708,3 USD/tấn. Đức, Italy và Tây Ban Nha là ba thị trường tiêu thụ lớn nhất. Đặc biệt, xuất khẩu sang Mexico tăng mạnh gấp 71,6 lần.

Xuất khẩu cao su đạt 680,1 nghìn tấn, trị giá 1,27 tỷ USD. Dù khối lượng giảm 6,5%, giá trị vẫn tăng 14,4% nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 22,4%, đạt 1.864,7 USD/tấn. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thị phần (70%), trong khi Malaysia là thị trường tăng trưởng mạnh nhất (gấp 4,6 lần).

Xuất khẩu hạt điều đạt 346,8 nghìn tấn, trị giá 2,36 tỷ USD. Mặc dù khối lượng giảm 2,7%, giá trị tăng 20,4% nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 23,8% (6.805,4 USD/tấn). Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hà Lan là ba thị trường lớn nhất. UAE tăng trưởng mạnh nhất  với 50,4%.

Gạo cùng rau quả là những mặt hàng chủ lực nhưng có giá trị xuất khẩu giảm.  Sản lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đạt 4,9 triệu tấn, tương ứng 2,54 tỷ USD. Khối lượng tăng 7,6% nhưng giá trị giảm 12,2% do giá xuất khẩu bình quân giảm 18,4%, còn 517,5 USD/tấn. Philippines chiếm 43,4% thị phần. Bangladesh là thị trường tăng mạnh nhất (gấp 293,2 lần), trong khi Malaysia giảm sâu nhất (54,7%).

Giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,05 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường lớn nhất (48,2%), nhưng giảm 35,1%. Ngược lại, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 65,2%.

Ông Trần Gia Long cho biết, trước bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và trong nước với dự báo những thách thức và cơ hội đan xen trong giai đoạn tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định định hướng xuyên suốt là phát triển ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp từ khâu sản xuất đến công đoạn chế biến tạo giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và phát triển thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Để tiếp tục thúc đẩy gia tăng giá trị, chất lượng và thị phần xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tập trung hoàn thiện và cụ thể hóa các thể chế mang tính định hướng phát triển thị trường nông sản và hội nhập phù hợp với các luật chuyên ngành được sửa đổi, ban hành. Đồng thòi, tập trung triển khai các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn và xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh và uy tín của nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. 

Đặc biệt là chủ động xây dựng, triển khai, điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng phó phù hợp, kịp thời với diễn biến thị trường nhằm hạn chế mất cân đối cung cầu và biến động giá cả. Bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý chặt chẽ chất lượng trong sản xuất, chế biến và chứng nhận sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định của thị trường, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, làm cơ sở để phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. 

Bộ cũng thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, đóng góp vào sự phát triển của ngành và đất nước trong giai đoạn mới; nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ nhằm khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, bảo đảm ổn định đầu ra cho nông sản. Đồng thời, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường, kết nối, quảng bá nông sản tại các thị trường lớn nhưng thị phần còn chưa tương xứng như EU, Nhật Bản. Các đơn vị tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các nhóm sản phẩm chủ lực như trái cây và nhóm sản phẩm tiềm năng còn nhiều dư địa gia tăng xuất khẩu như sản phẩm chăn nuôi.

(Nguồn tin TTXVN)